Đặc tính bánh xe theo chất liệu

Chất liệu làm bánh xe, căn cứ vào phần lốp nơi tiếp xúc với mặt đường; thông thường được chia làm 3 loại theo thứ tự thông dụng và phổ biến là cao su, nhựa và kim loại. Mỗi loại chất liệu đều có mặt tốt và xấu, không có loại nào hoàn toàn siêu việt hơn những chất liệu còn lại. Chất liệu tốt nhất là chất liệu phù hợp nhất với tính chất công việc. Cụ thể như sau:

1. Bánh xe cao su

Bánh xe cao su có độ đàn hồi tốt, giúp giảm sóc, giảm chấn và giảm tiếng ồn khi di chuyển. Tải trọng của bánh xe cao su kém hơn bánh xe nhựa, khoảng 10 - 300kg/ 01 bánh xe. Bánh xe cao su của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số dòng Trung Quốc cao cấp có độ mềm tốt nhưng lún ít nên không gây ì, chịu mài mòn và chịu xé tốt. Tuổi thọ của cao su tốt hơn so với PU và Cao su nhiệt dẻo, có thể từ 2 - 5 năm. Nhược điểm chung của cao su là kém chịu xăng, dầu mỡ và hoá chất. Dùng nhiều trong môi trường này sẽ khiến lốp cao su bị ăn mòn hoặc nhanh bị lão hoá dẫn đến bở, nứt làm giảm tuổi thọ sản phẩm. Bánh xe cao su chia làm mấy loại chính sau:

cao-su.jpgcao-su-s.jpgcao-su-mem.jpg
Cao su tự nhiênCao su tổng hợpCao su nhiệt dẻo

Cao su tự nhiên: sử dụng nguyên liệu chính là mủ cao su sau đó lưu hoá và đúc ở nhiệt độ cao. Bánh xe cao su tự nhiên có độ đàn hồi không cao, khả năng chịu mòn và chịu xé chỉ ở mức trung bình, dễ lão hoá do tác động thời tiết. Bánh xe loại này là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam - nhờ có nguồn nguyên liệu cao su trong nước dồi dào.

Cao su tổng hợp: hoặc còn gọi là cao su nhân tạo được làm từ các hợp chất có từ quá trình sản xuất xăng dầu. Cao su tổng hợp có độ đàn hồi và khả năng chịu mòn, chịu xé tốt hơn cao su tự nhiên. Bánh xe cao su loại này thường thấy ở cấp độ cao cấp từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện các nhà sản xuất Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư mạnh về mảng này.

Cao su nhiệt dẻo (TPR): hay gọi là cao su mềm. Cao su nhiệt dẻo được tạo ra nhờ tổng hợp nhựa nhiệt dẻo với cao su. Vì vậy không chỉ chịu nước, xăng, dầu mỡ và hoá chất nhẹ; bánh xe mềm còn có độ đàn hồi tốt, không gây ồn khi di chuyển, khả năng giảm chấn, giảm sốc rất tốt. Cao su nhiệt dẻo đi sạch, không để lại vết lăn trên sàn. Bù lại khả năng chịu mòn, chịu lão hoá sẽ bị kém đi khoảng 10 - 15% so với cao su thông thường.

Bánh xe cao su chuyên dụng:

Cao su lốp hơi: Gồm 2 loại là lốp hơi có săm và lốp hơi không săm (tubeless tire). Để dễ hình dung, loại lốp hơi có săm là lốp xe đạp; còn lốp không săm là lốp của các xe máy tay ga hiện nay. Ngoài ra còn có một loại lốp không hơi có vỏ đặc bằng cao su cứng chịu mòn, phần lõi bên trong chiếm thể tích lớn làm bằng cao su mềm độ đàn hồi cao. Bánh xe lốp hơi có khả năng chống sốc, chống rung và đặc biệt là giảm tiếng ồn. Khả năng này được đánh giá là tốt nhất. Bánh xe cao su lốp hơi được dùng nhiều cho khách sạn, nhà hàng, khu resort và khu vực y tế.

pneu.jpg

Cao su chống tĩnh điện: tên gọi là như vậy nhưng thực chất đây là cao su dẫn điện. Trong bánh xe có pha thêm kim loại nhằm tạo ra một con đường xuyên suốt để dẫn cho tĩnh điện sinh ra trên bàn truyền tới càng thép rồi xuyên qua bánh xe cao su xuống đất. Bánh xe tĩnh điện tùy theo yêu cầu mà sẽ có độ trở kháng ở mức 103 ~ 105 ohm/sq

2. Bánh xe nhựa

Ở Việt Nam, ngoài hạt nhựa được làm từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và hạt nhựa tái sinh thì nguyên liệu chủ yếu vẫn phải nhập từ nước ngoài. Nhìn chung, bánh xe nhựa đều có khả năng chịu nước, xăng, dầu mỡ và một số loại hoá chất nhẹ. Bánh xe nhựa có tải trọng lớn, nếu cùng đường kính bánh xe nhựa có thể có tải trọng gấp 2 - 3 lần so với bánh xe cao su. Có thể tạm chia thành 2 loại chính là Nylon và PU. Hiện nay, nhựa PU được dùng nhiều hơn cả nhờ có dải độ cứng rộng, rất bền: khả năng chịu mài mòn, chịu hóa chất rất tốt, và đặc biệt là nhựa PU ít gây nguy hại tới môi trường. Đặc điểm chính của từng loại như sau:

pa.jpgpu-gang.jpgchiu-nhiet.jpg
PA (Nylon 6)PU cốt gangNhựa chịu nhiệt

Nylon: gồm nhiều chất liệu như PP, PA (Nylon 6), PVC, POM, PC, vv.... Khả năng chịu nước, xăng, dầu mỡ và một số loại hóa chất thông thường của Nylon tốt hơn nhiều so với nhựa PU. Nylon được dùng nhiều trong công nghiệp nhờ tính dễ lăn, chịu tải cao và hầu như không bị lão hóa - tuổi thọ của Nylon có thể lên tới vài chục năm, dài hơn rất nhiều nếu so với nhựa PU. Bù lại Nylon cứng sẽ gây ồn không thích hợp dùng khu vực cần sự yên tĩnh và chỉ nên di chuyển trên mặt nền nhẵn hoặc cho hệ thống xe chở nặng để lâu ngày. Nếu dùng nhiều và liên tục trong môi trường hóa chất thì nên sử dụng bánh xe Nylon với càng thép INOX 304.

Nhựa PU: có khả năng chịu mòn và tải trọng cao. Bánh xe lăn sẽ không để lại dấu vết trên sàn, ngay cả khi xe đang chất hàng nặng. PU có độ đàn hồi nhỏ nên bánh xe cũng có khả năng giảm xóc và giảm ồn nhất định, dù không tốt bằng cao su. Nhựa PU có độ ổn định thủy phân yếu nên độ bền bị ảnh hưởng mạnh bởi môi trường ẩm ướt, đặc biệt là môi trường khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Nhựa PU cũng kém chịu nhiệt, đặc biệt là trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh. Theo đó, khả năng lý hóa - cũng chính là chất lượng giảm dần do bị lão hóa theo thời gian. Tuổi thọ sử dụng của PU được ước tính vào khoảng 2 - 5 năm. Có 2 cách đúc lốp PU thông dụng là ép bột và đúc từ nguyên liệu lỏng. PU đúc có tuổi thọ cao hơn.

Nhựa chịu nhiệt: có giá thành cao. Trong các loại nhựa thì khả năng chịu nuớc, dầu mỡ, acid nhẹ và các hóa chất thông thường của nhựa chịu nhiệt là tốt nhất. Quan trọng nhất là bánh xe chịu được nhiệt độ cao, tuỳ theo chất liệu cụ thể bánh xe có thể chịu đuợc nhiệt độ dao động trong khoảng 200 - 250°C. Bánh xe cứng và nếu ở cỡ nhỏ (Ø75mm trở xuống) có thể không tròn do phải gia công ở nhiệt độ rất cao nên khó kiểm soát được độ co lại của bánh xe trong quá trình làm nguội.

3. Bánh xe bằng kim loại

Chiếm tỷ trọng thấp nhất, bánh xe bằng kim loại nặng nề và cục mịch cho người sử dụng cảm giác chắc chắn, bền bỉ:

gang.jpginox.jpg
GangINOX

Bánh xe bằng gang, sắt hoặc hiếm hơn là INOX. Loại này thường dùng làm bánh xe cổng hoặc bánh xe chạy ray. Vì bằng kim loại đã qua gia công nên bánh xe kim loại có thể dùng cho các lò nướng bánh, lò luyện thép, vv… Lưu ý duy nhất với người sử dụng là không nên sử dụng trên các bề mặt đắt tiền (sàn đá, sàn sơn công nghiệp) do khả năng cày và phá của loại bánh xe này. Đặc biệt cẩn trọng khi xe đang chở nặng hoặc vừa đưa ra ngoài lò nung, sấy có nhiệt độ cao.

4. Bảng tổng hợp

a. Khả năng chịu tải, chịu nhiệt, độ cứng và môi trường hoạt động

Bảng dưới đây thể hiện đặc tính kỹ thuật của bánh xe rời theo chất liệu cấu thành. Chú ý: Bảng số liệu chỉ mang tính tham khảo, tùy theo thực tế sử dụng xin Quý khách liên hệ với bộ phận tư vấn hoặc bán hàng để biết thêm chi tiết:

specs.jpg

b. Bảng phân chia độ cứng của bề mặt chất liệu

shore.jpg